Lễ công bố quyết định và đón nhận bằng di tích lịch sử(LNDN) cấp tỉnh

NIỀM VUI LỚN CỦA BÀ CON HỌ TRƯƠNG LÀNG VÂN QUẬT THƯỢNG, XÃ HƯƠNG PHONG TX HƯƠNG TRÀ, TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

TÔNG ĐỒ HỌ TRƯƠNG Ở KINH BẮC 

Trương Phi Phong sinh năm Giáp Tý (1444) xuất thân từ dòng dõi con nhà tướng, là con trai của Trương Khả Dĩ (Lễ Khả Dĩ), quê ở thôn Quan Nội, xã Hai Hòa, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Trương Phi Phong là một trong những nhánh hậu duệ (đời thứ 4) của Bình Ngô khai quốc công thần Trương Lôi. Trương Lôi vốn là hậu duệ của thám hoa Trương Phóng (húy Trương Tích Đãng)-đỗ đại khoa năm 1304 đời vua Trần Anh Tông và là con trai thứ 3 của tiến sĩ, Thanh Vận Sứ Trương Duy Luật. Cha con võ tướng Trương Lôi (Lê Lôi)-Trương Chiến (Lê Chiến) sớm có mặt trong số 18 chiến tướng tham gia hội thề Lũng Nhai năm 1416 và tham gia khởi nghĩa Lam Sơn (Thanh Hóa) năm 1418. Là một trong những vị tướng tài trí, dũng cảm luôn tiên phong trên chiến trận, Trương Lôi và con trai trưởng Trương Chiến đã góp phần quan trọng trong việc đánh đuổi quân Minh xâm lược ở thế kỉ XV dưới thời Lê Sơ. Do có công lớn với triều Lê nên cha con Khai quốc công thần Trương Lôi, Trương Chiến được nhà vua ban cho họ Lê.

Theo ông Trương Anh Tuấn: trưởng tộc họ Trương ở thôn Như Quỳnh, thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, hậu duệ đời thứ 27 của liệt tổ Bình Ngô khai quốc công thần Trương Lôi (Lê Lôi) cho biết:”Từ năm 1425 các đức tổ Trương Lôi, Trương Chiến, bây giờ là thượng tướng quân-Phó tướng của Tư đồ Trần Nguyên Hãn, đã tham gia giải phóng mặt trận Tân Bình, Thuận Hóa. Đến năm 1471, dưới thời vua Lê Thánh Tông (niên hiệu Hồng Đức) các nhánh hậu duệ của cụ Trương Lôi (Lê Lôi) được cử đi theo vua Lê vào Thuận Hóa, Quảng Nam, trong đó có Đô chỉ huy sứ ty Trương Phi Phong (Lê Phi Phong), khởi tổ của tộc Trương ở làng Vân Quật, Hương Phong, Hương Trà, Thừa Thiên Huế.
(ghi theo gia phả)

Hôm nay ngày 26 tháng 4 năm 2015, trong không khí sắc Xuân Ất Mùi vẫn đang tràn ngập khắp mọi miền quê hương, đất nước, để đón chào các ngày kỷ niệm lớn trong năm.Vinh dự, tự hào cho bà con họ Trương làng Vân Quật Thượng chúng tôi hoan hỷ đón nhận Quyết định và Bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh cho di tích của ngài thủy tổ Đô Chỉ Huy Sứ, Đô Chỉ Huy Sứ Ty Trương Phi Phong – một quan chức thời Lê sơ đã tham gia công cuộc bình Chiêm mở rộng biên ải nước Đại Việt về phía Nam dưới thời vua Lê Thánh Tông năm 1471.

Trên mảnh đất địa linh nhân kiệt này, dư âm oanh liệt của tiền nhân vẫn  vang vọng thấm sâu từ lòng đất, ấm áp mái ngói bờ tre làng Vân Quật Thượng như đang truyền thêm sức mạnh, hào khí tinh thần cho các thế hệ người dân  Vân Quật Thượng nói chung, con cháu họ Trương nói riêng cùng đoàn kết xây dựng làng Vân Quật Thượng ngày càng văn minh giàu mạnh và chung sức với   cộng đồng trên địa bàn xã Hương Phong gìn giữ, và phát huy những giá trị văn hóa làng xã đậm đà bản sắc dân tộc, bản sắc văn hóa Huế đặc trưng được kết tinh, phát triển bền vững qua hàng ngàn năm lịch sử.

Con cháu họ Trương Van Quật Thượng ấp ủ từ cách đây gần 25 năm lúc bấy giờ UBND tỉnh, Sở Văn hóa Thông tin và Bảo tàng Thừa Thiên Huế đã đồng ý cho tu sửa Lăng mộ – Miếu thờ ngài Trương Phi Phong vì bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Năm 1993, Mộ và Nhà thờ ngài Trương Phi Phong là một trong 153 di tích Lịch sử – Văn hóa đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ra Quyết định bảo vệ. Vào thời điểm đó, việc công nhận xếp hạng Di tích chỉ có một hạng là Di tích cấp Quốc gia, trong khi tài liệu về ngài Trương Phi Phong chưa đầy đủ, chưa thể hoàn tất hồ sơ về ngài Trương Phi Phong mang tầm Quốc gia, nên công việc nghiên cứu đã tạm hoãn.

Thế nhưng, nỗi niềm trăn trở với công đức của tiền nhân đối với đất nước, quê hương, đối với các thế hệ con cháu tộc Trương Vân Quật Thượng vẫn không nguôi, sức mạnh tâm linh của liệt tổ liệt tông vẫn thôi thúc con cháu thực hiện tâm nguyện chính đáng hằng mong. Tiếp tục công việc có ý nghĩa đối với tiền nhân, tháng 12 năm 2012, tộc Trương Quật Thượng đã làm đơn gửi UBND xã Hương Phong và đã được UBND xã đồng ý soạn thảo Công văn gửi Sở VHTT & DL Thừa Thiên Huế, Bảo tàng Lịch sử & Cách Mạng, UBND thị xã Hương Trà đề nghị tiếp tục nghiên cứu Hồ sơ công nhận di tích Đền thờ – Lăng mộ và các di tích liên quan đến ngài Trương Phi Phong là Di tích cấp tỉnh. Tuy nhiên, Hồ sơ tài liệu về nguồn gốc của ngài Đô Chỉ Huy Sứ vẫn có một khoảng trống  nhất định. May mắn thay, tộc Trương làng Vân Quật Thượng được sự ủng hộ, giúp đỡ của các cơ quan chuyên môn Bảo tàng Lịch sử & Cách mạng, Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế, các nhà nghiên cứu ở Trung ương và các tỉnh:  Thừa Thiên Huế , Thanh Hóa, Hưng Yên và bà con Họ Trương trong Hội đồng Họ Trương Việt Nam. Với tâm nguyện luôn hướng về liệt tổ, liệt tông, lại được âm phò, dương trợ chúng tôi đã tìm được về cội nguồn Họ Trương ở Thanh Hóa. Đó là hai cha con võ tướng Bình Ngô Khai quốc công thần thời Lê Sơ: Trương Lôi – Trương Chiến lập nhiều công trạng trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh ở thế kỷ XV, được vua ban quốc tính là Lê Lôi và Lê Chiến. Hiện nay, đền thờ hai ngài đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh ở thôn Tiền Phong, xã Hải Hòa, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Lăng mộ hai ngài hiện ở đồi Hồng, Đông Sơn, Yên Thế, tỉnh Bắc Giang là địa điểm được triều đình nhà Lê Sơ ban cho làm Thái Ấp gần biên ải Chi Lăng lịch sử. Trong tập “Kinh Bắc Trương Thị Như Quỳnh quý thích thế phả” và tài liệu của dòng họ Trương ở thôn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên cũng đã chứng minh   Bình Ngô khai quốc công thần Lê Lôi (tức Trương Lôi) là hậu duệ của Viễn Tổ -Thám Hoa Trương Phóng (húy Tích Đãng), đỗ Đại khoa năm 1304 thời vua Trần Anh Tông. Tính từ đời ngài  Bình ngô khai quốc công thần Trương Lôi đến đời ngài Đô chỉ huy sứ  Trương Phi Phong là  4 đời liên tục có công trạng lớn cho triều Lê sơ. Vì vậy tại di tích Miếu thờ ngài Trương Phi Phong có bức hoành phi lớn khắc rõ:

Bình Chiêm Sứ”

tạm dịch: Phái đi bình định Chiêm Thành

 

                                         “Triều nội vị văn quan tế thế anh hùng tài lương đống

                                           Trận tiền danh võ tướng hưng ban hào kiệt trí thần cơ”

tạm dịch: Quan văn nội triều anh hùng cứu thế tài rường cột

Võ tướng trước trận hào kiệt dũng mãnh trí thần cơ

                                                                              “Khắc minh đức”

tạm dịch: giữ đức sáng

 

                                         “Chưởng thượng bố kinh luân đạt nhất thân tòng thiện sự

                                           Hung trung tàng binh giáp công hầu tứ đại chấn thục danh”

tạm dịch: Trên tay ban phát kinh luân, một đời theo việc thiện

Trong lòng ôm ấp binh pháp, bốn đời chấn uy danh

 

                                          “Bổn thổ khai cơ tử tôn trường dẫn

                                           Thành hoàng hưng nghiệp bách tính vinh hiễn

tạm dịch: Bổn thổ mở mang cơ nghiệp con cháu tiếp nối

Thành hoàng hưng nghiệp trăm họ vinh hiền

 

 

Trong dặm dài lịch sử hình thành và phát triển, tỉnh Thừa Thiên Huế có bao  cuộc thăng trầm ra sao, thì lịch sử làng Vân Quật Thượng cũng vậy. Mảnh đất Vân Quật nhỏ hẹp, lại phải trải qua nhiều cuộc bể dâu chiến tranh khốc liệt, chính trong cuộc phấn đấu để sống còn đó, người dân Vân Quật anh dũng -cần cù  trong sự nghiệp bảo vệ – xây dựng quê hương. Trong hòa bình và trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế và người dân Vân Quật vẫn giữ cốt cách trung hậu, tự tạo cho mình một lẽ sống sáng rõ, một bản sắc văn hóa làng quê đặc trưng có sức lan tỏa….

Đến nay, đã có cơ sở khoa học để xác định ngài Trương Phi Phong là một quan võ thời Lê sơ – vị Thủy tổ của họ Trương ở làng Vân Quật Thượng ngày nay. Căn cứ vàocác nguồn tài liệu (gia phả, thư tịch, văn bia, câu đối…) đã sáng tỏ thêm về nhân vật lịch sử thời Lê sơ: ngài Đô Chỉ Huy Sứ, Đô Chỉ Huy Sứ Ty Trương Phi Phong là người đã từng tham gia công cuộc bình Chiêm thời vua Lê Thánh Tông năm 1471. Sau việc bình định này đã có nhiều quan quân binh lính được lệnh của vua Lê Thánh Tông đưa gia quyến, họ hàng vào lập cư ở vùng đất mới mở, hoặc tự chọn phong thủy địa cuộc lập làng kể từ phủ Triệu Phong trở vào – đây được xem là cuộc di dân lớn thứ hai của Đại Việt vào phía Nam. Ngài Trương Phi Phong là một trong nhiều quan quân thời Lê đã thực hiện công cuộc mở đất quy mô mang tính tổ chức của Nhà nước phong kiến thời đó. Ngài là một trong những người đã có công đầu khai khẩn mở mang bờ cõi vào phía Nam nói chung, làng Vân Quật – một trong những làng được thành lập sớm ở Thuận Hóa nói riêng. Sách Ô Châu Cận Lục của Tiến sỹ Dương Văn An biên soạn  năm 1555 đã ghi tên của làng Vân Quật là một trong 59 làng của huyện Đan Điền, phủ Triệu Phong. Theo nhiều nguồn tài liệu đã viết, Gia phả Họ Trương ghi: Đời Thủy tổ là ngài “Đô Chỉ Huy Sứ, Đô Chỉ Huy Sứ Ty” được “Lê Triều sắc sức bổn xã lập miếu phụng tự”. Trong các tài liệu Hán – Nôm còn lưu giữ, khắc viết ở Miếu thờ, đình làng đã ghi nhận vai trò khai khẩn, khai canh của ngài Trương Phi Phong, văn cúng của làng từ xưa đến nay vẫn ghi, đọc: “Bổn thổ, Đô Chỉ Huy Sứ, Đô Chỉ Huy Sứ Ty Thiêm sự Trương Quý công Tôn thần”.

Tại đình làng có bài vị: Bổn thổ Đô chỉ huy sứ, Đô chỉ huy sứ ty thiêm sự Trương Quý Công tôn thần vị.

Sau khi vị thủy tổ họ Trương – Trương Phi Phong đến khai hoang sinh cơ, lập nghiệp ở làng Vân Quật Thượng đã đem theo người con trai trưởng là ngài Hiển Thượng Cao Cao Tổ Khảo Trương Văn Cải, sau đó ngài Cải đã sinh ra bốn người con, nay thành bốn phái trong đó có 3 phái hiện ở tại làng Vân Quật, 1 phái định cư ở làng An Dương (Mã Tại Thượng Đồng), 1 hệ họ Trương làng Hải Nhuận với tổng con cháu họ Trương của Ngài tính đến thời điểm hiện tại từ 18 tuổi trở lên con cháu trai là 400 người, kể cả ở phương xa và hải ngoại.

Kể từ khi ngài Trương Phi Phong sinh cơ lập nghiệp ở vùng đất này, lại trải qua nhiều triều đại lịch sử, bao nhiêu cuộc chiến tranh cách trở, đường xá hiểm nguy, khó khăn đi lại. Mặt khác, tài liệu gia phả, sắc phong bị thất lạc, hư hỏng, cháy trong các cuộc chiến tranh và thiên nhiên khắc nghiệt, dòng họ Trương làng Vân Quật Thượng cũng đã bị đứt đoạn hàng trăm năm với cội nguồn tổ tông. Hôm nay, ôn lại công lao trời bể của các bậc tiền nhân, họ Trương làng Vân Quật Thượng chúng tôi cúi đầu lạy tạ liệt tổ, liệt tông họ Trương, cảm ơn các cơ quan nghiên cứu, các nhà nghiên cứu cơ quan chính quyền đã giúp đỡ Họ Trương Vân Quật kết nối được dòng chảy lịch sử dòng họ từ thời vua Trần Anh Tông qua triều Lê Sơ và vua Lê Thánh Tông cho đến ngày nay. Và cũng do đó, cán bộ, nhân dân xã Hương Phong nói chung, dòng họ Trương Vân Quật Thượng nói riêng có được vinh dự chuẩn bị đón nhận bằng di tích. Lịch sử ngài Đô Chỉ Huy Sứ, Đô Chỉ Huy Sứ Ty, ngài Bổn thổ Thành Hoàng làng Vân Quật Thượng đã được sáng tỏ, góp phần nhỏ bé vào chặng đường lịch sử của dân tộc Việt Nam trong công cuộc mở đất vào phía Nam của nước Đại Việt thưở xưa, góp phần ghi vào trang sử hào hùng chống giặc ngoại xâm, bảo vệ và xây dựng đất nước của dân tộc Việt Nam với đóng góp trí tuệ và công sức của nhiều dòng họ trong đại gia đình dân tộc Việt Nam.

Dòng họ Trương làng Vân Quật Thượng hứa sẽ làm hết sức mình để cùng với chính quyền, các tổ chức đoàn thể bảo vệ và phát huy tốt giá trị di tích lịch sử văn hóa liên quan đến ngài Trương Phi Phong để góp phần giáo dục truyền thống, giáo dục lòng yêu nước, yêu quê hương cho thế hệ hiện tại và con cháu mai sau.

Cảm ơn các nhà nghiên cứu Sử, cảm ơn các cơ quan ban ngành, cảm ơn bà con họ Trương đã tham gia trong việc nghiên cứu này.  Cảm ơn các quý vị đại biểu đại diện cho các cấp chính quyền, đoàn thể  và các dòng họ đã tham dự buổi lễ đón nhận Bằng Di tích lịch sử văn hóa ngài Trương Phi Phong của tộc Trương Vân Quật thượng hôm nay. Một lần nữa kính chúc toàn thể quý vị dồi dào sức khỏe, vạn sự hanh thông, đạt nhiều thành tựu tốt đẹp

                                         Huế, ngày 26 tháng 4 năm 2015

                              (Bài viết của ông Trương Ngọc Lành-Chủ tịch HĐ họ Trương TT Huế)

Quang cảnh rước bằng di tích
Rước bằng di tích về miếu thờ
Lễ chào cờ
Quang cảnh Hội trường đại biểu dự lễ
Quang cảnh Hội trường đại biểu dự lễ
Bí thư đảng ủy xã Hương Phong phát biểu
Phó chủ tịch UBND TX.Hương Trà đọc quyết định công nhận di tích
Phó chủ tịch UBND TX.Hương Trà và PGĐ sở VHTT trao bằng di tích
Đại diện HĐ họ Trương VN phát biểu
Phó GĐ Sở VHTT trao đôn hoa
Đại diện HĐ họ Trương VN trao bức trướng
Đại diện HĐ họ Trương tỉnh TT Huế trao đôn hoa
Đại diện ban liên lạc huyện Phú Vang trao đôn hoa
CLB người cao tuổi họ Trương trao đôn hoa
Dâng hương tại lăng mộ ngài Trương Phi Phong tại xứ Cồn mồ ở làng Vân Quật Thượng
HĐ họ Trương và ban liên lạc ăn trưa thân mật

Trương Thị Kim Dung

               Huế

 Ai đem ngày thẳm đêm trường

Lợp trăng vào nón

thơ buông áo dài

Hẹn cùng trúc mã thanh mai

Hái Sen trăm cánh nở ngoài cung xưa

Vọng non cao

 vọng biển hồ

Chuông Kim Sơn đã tràn bờ Huyền Không

 Mưa như nhớ

   nắng như mong

Hóa Châu duyên phận long đong kinh thành

Nổi chìm vẫn nét đan thanh

Mái nhì mái đẩy long lanh giọng hò

 Ơi người cõi mộng cõi mơ

Huế như vương miện nhà vua tặng nàng

Cam lồ thơm ngọt Hương Giang

Thấm bao âu yếm trong làn mắt xanh

   Kỷ niệm chuyến đi Huế  dự lễ đón nhận Bằng Di tích về Danh nhân Trương Phi Phong ở  Vân Quật Thượng – Hương Phong- TX Hương Trà, ngày 25- 26/4/2015